Hôm nay mình sẽ giới thiệu cho anh em một cuốn sách khá hay, với số điểm tự cho là 8.5/10. Thông qua những câu hỏi TẠI SAO vô cùng bình thường. Đó là cuốn: Bắt đầu với câu hỏi tại sao, của Simon Sinek.

Cuốn này mình được anh sếp trên công ty chỉ cho đọc. Với lời giới thiệu vô cùng gãy gọn, súc tích: “Đọc đi em, mindset đó”. Lúc đầu nghe có vẻ hơi xạo xạo, nhưng với bản tính tò mò nhiều chuyện nên mình mua về đọc. Đọc xong vỗ đùi phành phạch, vì thấy ô kê quá nên viết đôi lời chém gióa với anh em.

Rõ ràng thì tại sao luôn là câu hỏi then chốt cho mọi vấn đề. Nhưng ở quyển này, Simon đã phát triển rộng ra câu hỏi tại saoứng dụng vô cùng vi diệu của nó vào cuộc sống hằng ngày. Okay let’s goooo!!!

 

1. “Bắt đầu câu hỏi tại sao” nói về gì?

Đọc Bắt đầu câu hỏi tại sao, anh em sẽ trải qua chặng hành trình với hơn 300 trang sách gồm những nội dung sau:

  • Phần 1: Tác giả giả sử: nếu trên thế giới này, không ai hỏi câu hỏi tại sao, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
  • Phần 2: “Vòng tròn vàng”. Sự vi diệu của vòng tròn vàng và cách mà nó được áp dụng trong cuộc sống. Sẽ có rất nhiều ví dụ cho anh em trong phần này.
  • Phần 3: Niềm tin là một thứ tối quan trọng. Niềm tin là output của một nhóm người có cùng lý do tại sao. Và niềm tin giúp anh em tạo sức ảnh hưởng lên người khác như thế nào?
  • Phần 4: Biết lý do tại sao rồi, chuyển hóa nó thành hành động cụ thể như thế nào để đạt được thành tựu?
  • Phần 5: Khi một cá nhân hoặc doanh nghiệp đã được các mục trên rồi thì chắc hẳn họ sẽ… thành công. Nhưng thành công lại chính là một con dao hai lưỡi! Biểu hiện, lý do và cách phòng tránh.
  • Phần 6: Tại sao lại hỏi… tại sao? Nghe hơi hack não, nhưng phần cuối này lại rất, rất, rất thực tế.

Ô-kê mình sẽ không spoil chi tiết vào nội dung của 6 phần này, mà chỉ đi qua những nội dung mà mình cho là quan trọng cho anh em thôi nhé.

2. Nếu chẳng ai hỏi tại sao?

Thì có lẽ giờ chúng ta đã không có iPhone xịn xịn để xài.

Không có ô-tô hay máy bay để đi lại.

Không có bài diễn văn “I have a dream” nổi tiếng của Martin Luther King.

Và dĩ nhiên là cũng sẽ không có cuốn sách này để anh em mình ngồi đây chém gió, kaka.

Bắt đầu câu hỏi tại sao

Henry Ford đã từng nói: “Nếu tôi hỏi mọi người muốn gì, họ chỉ nói họ muốn một chiếc xe ngựa chạy nhanh hơn mà thôi”.

Nếu Henry Ford không tự hỏi: “Tại sao xe ngựa cứ phải có ngựa mới chạy được?” Thì đã không có sự xuất hiện của 4 bánh xe và 1 động cơ. Hay nói cách khác là đã không có bất kỳ một chiếc ô-tô nào được ra đời.

Chuyện kể rằng. Hồi xưa có một đoàn các nhà quản lý xe hơi của Mỹ sang Nhật Bản thăm dây chuyền sản xuất xe của người Nhật. Khi tới đây họ khá bất ngờ với lý do: Cái búa để gõ vào những cánh cửa đâu rồi?

Số là người Mỹ thường dùng những cái búa để gõ nhẹ vào những cánh cửa xe hơi. Nhằm đảm bảo nó được lắp khít hoàn toàn. Tuy nhiên người Nhật thì không.

Khi được hỏi thì người Nhật trả lời: “Chúng tôi đảm bảo nó vừa vặn khi thiết kế nên nó sẽ rất khít khi được lắp ráp”. Và thực tế, những cánh cửa do Nhật chế tạo chắc chắn và bền hơn sau những vụ tai nạn.

Bắt đầu câu hỏi tại sao

Vậy, nếu người Mỹ không có chuyến thăm này, họ sẽ chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại không có những chiếc búa?” Và người Nhật cũng không thể hỏi ngược lại: “Tại sao chúng tôi lại cần những chiếc búa, khi những cánh cửa đã được thiết kế rất tỉ mỉ từ trước rồi”.

Rõ ràng nếu không có những câu hỏi tại sao này, người Mỹ sẽ chẳng bao giờ học được cách tiết kiệm chi phí cho hàng ngàn cây búa mỗi năm, nhưng đem lại hiệu quả hơn bao giờ hết.

Trên là những ví dụ mình trích xuất từ sách. Hi vọng nó giúp anh em hiểu được tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi tại sao ?

3. Vòng tròn vàng

Tiếp theo sẽ là một trong những điểm quan trọng nhất của cuốn sách: Vòng tròn vàng.

Bắt đầu câu hỏi tại sao

Vòng tròn vàng của Simon Sinek (Nguồn: In-tờ-nét)

Như anh em thấy thì vòng tròn vàng gồm 3 vòng tròn nhỏ bên trong: WHY, HOW và WHAT.

Ý nghĩa cốt lõi: Khi bắt đầu làm một việc gì đó, hãy bắt đầu với vòng tròn trong cùng là WHY.

  • Bắt đầu từ How -> die.
  • Bắt đầu từ What -> die càng sớm.

Làm gì cũng bắt đầu từ lý do TẠI SAO làm >> rồi mới tới làm như THẾ NÀO >> rồi sau cùng mới là làm CÁI GÌ

Sẽ có một vài ví dụ thực tế cho anh em dễ hình dung. 

3.1. Tại sao

Đầu tiên là một ví dụ từ Apple. Tác giả rất khoái lấy Apple ra làm ví dụ. Vì theo ông, Apple là doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc lý do tại sao hiệu quả nhất từ trước đến giờ.

Khi đưa ra một thông điệp, Apple chọn đưa ra lý do TẠI SAO, thay vì đưa ra họ có thể làm được CÁI GÌ.

Đây là khi họ đưa ra thông điệp họ làm được cái gì:

Chúng tôi tạo ra những chiếc máy tính tuyệt vời.

Chúng được thiết kế bắt mắt, thân thiện và dễ dàng sử dụng.

Bạn muốn mua một chiếc chứ?

Đây là một mẫu quảng cáo xoàng, mà bất kỳ nhãn hàng nào đều có thể đưa ra được. Và tất nhiên, giữa một thế giới tiêu dùng đầy rẫy sự lựa chọn như vậy. Nó không thể nào gây ấn tượng mạnh được.

Quay về Việt Nam, anh em có thể thấy những mẫu quảng cáo kiểu này nhan nhãn khắp tivi, youtube.

Một trong những ví dụ điển hình:

Hai chị em dắt tay nhau đi chơi. Xoẹtttt, ngạc nhiên chưaaa. Trắng gì mà sáng thế.

Vì đã có thai, í lộn, Tide. Tide giúp tẩy trắng hơn gấp 5 lần bột giặt thông thường, blah blah…

Hoặc đơn giản hơn, là màn spam tivi lúc 1g45 khuya mỗi khi có đá banh:

Kangaroo. Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam! Kangaroo. Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam! Kanga…. 

Bắt đầu câu hỏi tại sao

Nghe quảng cáo xong không muốn mua hàng mà chỉ muốn phang tivi ?

Quay lại với Apple, đó là khi họ truyền thông điệp ra thế giới với CÁI GÌ. Nhưng nếu họ truyền thông điệp lý do TẠI SAO họ làm, thì sẽ như vầy:

Trong mọi thứ chúng tôi làm, chúng tôi tin tưởng vào khả năng thay đổi thực trạng. Chúng tôi tin vào cách tư duy khác biệt.

Chúng tôi thay đổi thực trạng bằng cách tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, đơn giản và dễ dàng sử dụng.

Và chúng tôi đã tạo ra chiếc máy tính tuyệt vời. Bạn muốn mua một chiếc chứ?

Và thực tế chiến dịch này đã thành công vang dội. Đi kèm với nó là một đoạn quảng cáo cho chiếc máy Mcintosh đã trở nên thuyền thoại của Apple. Đoạn quảng cáo có tên “1984”, được phát hành vào 22/01/1984.

“…Họ bước đều theo từng hàng một, không ai nói với ai lời nào. Quần áo họ bạc và tả tơi. Họ cùng tiến vào một căn phòng với một màu nổi lên duy nhất là màu xám bụi.

Bọn họ cùng ngồi ngay ngắn trên những hàng ghế băng nối tiếp nhau. Họ cùng ngồi xem trước một màn hình lớn. Một người đàn ông trên màn hình đang truyền giảng những thứ lý thuyết giáo điều. Mọi thứ rất trật tự và đi vào khuôn khổ.

Rồi bỗng nhiên có một người phụ nữ tóc vàng chạy vào. Cô mặc quần sọt màu đỏ và chiếc áo phông thời trang. Nước da trắng và màu sắc quần áo của cô như ánh sáng của ngọn hải đăng phản chiếu lên không gian màu xám ảm đạm kia.

Cô vừa chạy vừa cầm một chiếc búa tạ, và đuổi theo sau cô là một tốp bảo vệ. Cuối cùng, cô chấm dứt thực trạng xám xịt đó bằng cách quăng chiếc búa tạ phá tan màn hình xám xịt u tối kia”.

Và đó là cách mà Apple đã truyền tải thông điệp, dựa trên lý do TẠI SAO của họ. Vào thời điểm 1984 lúc đó, nếu Apple cứ oang oang về chiếc máy tính đầu tiên của họ, thì chưa chắc họ đã có doanh thu và phát triển đến tận bây giờ. Cái họ làm là nhắc về lý do TẠI SAO, và không nhắc gì về bất cứ tính năng hay lợi ích nào của sản phẩm.

3.2. Thế nào và Cái gì

Khi lý do tại sao làm đã được xác định rõ ràng, giờ chúng ta cần trả lời câu hỏi: Làm thế nào để hiện thực hóa được lý do “vĩ đại” đó.

Theo Simon Sinek, nhà lãnh đạo (người chuyên dẫn dắt, thổi hồn vào doanh nghiệp) là người bắt đầu với lý do tại sao, làm vì lý do tại sao.

Còn người quản lý là người điều hành rất giỏi. Đây là người sẽ giúp nhà lãnh đạo hiện thực hóa lý do tại sao bằng những kinh nghiệm điều hành, và khả năng am hiểu thị trường của mình.

Khi đã biết cách làm thế nào, công việc sẽ được thực hiện bởi các nhân viên cấp dưới để tạo ra CÁI GÌ. Thứ mà người tiêu dùng được tiếp cận trực tiếp.

Nhà lãnh đạo có thể không giỏi điều hành. Nhưng truyền cảm hứng thì phải là số một.

Ví dụ Bill Gates được cho là người ngại giao tiếp xã hội, ngượng ngùng và hay xấu hổ. Nhưng khi ông nói, mọi người lắng nghe một cách chăm chú và đầy hồi hộp theo từng lời nói của ông.

  • Bill Gates dẫn dắt lý do tại sao, còn Steve Ballmer biết cách làm thế nào.
  • Steve Jobs dẫn dắt lý do tại sao, còn Steve Wozniack biết cách làm thế nào.
  • Walt Disney dẫn dắt lý do tại sao, còn Roy Disney (anh ổng) biết cách làm thế nào.
  • Martin Luther King dẫn dắt lý do tại sao, còn Raph Abernathy (cố vấn, trợ lý cho King) biết cách làm thế nào.

Tuýp người TẠI SAO và tuýp người THẾ NÀO luôn xuất hiện cùng một cặp. Do đó, từ giờ anh em nào mà muốn khởi nghiệp thì phải kiếm partner đi cái đã ?

Nếu mình rất rành rọt cách làm như thế nào, thì phải có người luôn thắp lên lý do tại sao chúng ta lại làm. Đó là kiểu người THẾ NÀO, cần người TẠI SAO.

Nhưng nếu anh em muốn làm 1 cái gì đó, biết rõ lý do TẠI SAO, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Thì hẳn kiếm cho mình 1 kiểu người THẾ NÀO, trước khi… đổ nợ :v

Bắt đầu câu hỏi tại sao

Loa phóng thanh nhắm thẳng vào thị trường. Nguồn: Torbjörn Ryber

Vòng tròn vàng nếu như lật ngang lại thì sẽ là 1 hình nón, gồm tầng trên cùng là Why, tầng giữa là How và tầng lớn nhất dưới cùng là What.

Nếu như anh em tưởng tượng ra thêm 1 chút thì có thể thấy hình nón này giống như một chiếc loa phóng thanh vậy.

Làm bất kỳ 1 vấn đề gì, nếu như clarify rõ 3 tầng: WHY >> HOW >> WHAT. Và phải bắt đầu từ WHY. Thì nó giống như chiếc loa phóng thanh, nói cho mọi người nghe những việc mình đang làm. Một cách đầy thuyết phục và có trọng lượng.

4. Niềm tin is the best

Câu nói giá trị nhất phần này là: “Do business with people who believe what you believe.

Sau khi đã xác định được lý do tại sao, giờ anh em sẽ phải tìm một số anh em chí cốt có cùng niềm tin để cùng làm với mình.

Ví dụ như Southwest Airline. Ở Việt Nam mình thì cái tên này có vẻ nghe lạ, nhưng đây là hãng máy bay giá rẻ đầu tiên trên thế giới. Và cực kỳ nổi tiếng.

Chuyện kể rằng, Herb Kelleher lúc đó là sáng lập, kiêm chủ tịch của Southwest Airline. Và Howard Putnam được Kelleher tuyển vào với vị trí giám đốc điều hành Southwest Airline.

Putnam kể lại rằng lúc phỏng vấn, ông để ý dưới gầm bàn và thấy Kelleher cởi giày ra. Đáng chú ý là có 1 lỗ thủng trên vớ của Kelleher. Điều này làm cho Putnam có ấn tượng vô cùng sâu sắc với Kelleher, với những gì ông tin và ông làm.

Lúc này, Southwest Airline đã là một người dẫn đầu đích thực trong lĩnh vực hàng không giá rẻ. Đối thủ cạnh tranh của họ không phải là các hãng hàng không có số má khác, mà lại chính là… tàu lửa và xe buýt.

Kelleher tin vào lý tưởng: mọi người đều có thể bay, với mức chi phí thấp nhất, bình dân nhất và dành cho đại đa số quần chúng.

Và đương nhiên, những gì ông làm cũng thể hiện sự bình dân vốn có của mình. Từ văn hóa công ty đến những thói quen cá nhân, như việc chẳng hề nà gì với đôi vớ rách chẳng hạn.

Khi nhìn thấy chiếc vớ rách của Kelleher, Putnam rất thích điều này. Ông nhận thấy Kelleher cũng giống mọi người khác, có một lỗ thủng trên vớ. Và Putnam cũng vậy, cũng có 1 lỗ thủng trên vớ.

Chính thời điểm đó, ông tin rằng mình là người phù hợp với công ty này. Và thực tế là Howard Putnam và Herb Kelleher đã cùng nhau gắn bó đưa Southwest Airline đi lên trong suốt gần 30 năm.

Bắt đầu câu hỏi tại sao

Herb Kelleher – Những gì ông làm đều thể hiện sự bình dân vốn có của mình. (Nguồn: Neville Blog)

5. Thành công, rồi cũng sẽ thất bại

Đương nhiên, cuộc sống của chúng ta là biểu đồ hình SIN. Lúc lên, lúc xuống. Các doanh nghiệp cũng vậy. Có thành công vang dội như Apple thì cũng có ngày đi xuống (khi Jobs bị sa thải). Hay Microsoft cũng có thời điểm đánh mất bản sắc khi Steve Ballmer lên nắm quyền.

Cuốn này nói 1 trong những lý do thất bại là do việc chuyển giao giữa các thời kỳ với nhau.

Ví dụ như Walmart. Khi chủ tịch Sam Walton mất đi, không ai được kế thừa lý tưởng của ông, dẫn tới sự suy tàn của Walmart trong 1 thời gian dài.

Niềm tin của ổng là: Hãy chăm sóc người khác, và người khác sẽ chăm sóc lại bạn. Những hoạt động của Walmart đều dựa vào lý do tại sao này. Nhưng khi con trai ổng lên thay, tất cả không bắt đầu từ lý do này, mà lại xuất phát từ lý do khác, thực dụng hơn, đó là… tiền.

Và sau đó là sự sụp đổ cả 1 hệ thống bự chà bá. Walmart liên tục dính phải bê bối ngược đãi với nhân viên và thậm chí là khách hàng trong thời gian này.

Hoặc nói về Starbuck. CEO làm nên tên tuổi của Starbuck là Howard Schultz. Lý tưởng (hay lý do để ổng làm) là quán cà phê chính là “không gian thứ ba”. Thứ không gian thoải mái, tiện nghi và là sự kết hợp hài hòa giữa công việc và nhà.

Khi đó, Starbuck vẫn hay đựng cà phê trong ly sứ hoặc để những chiếc bánh ngọt Danish lên dĩa sứ. Điều này tạo cảm giác gần gũi như ở nhà cho khách.

Nhưng rồi năm 2000, khi Schultz thôi chức CEO. Lý tưởng đã không được truyền đạt cho người thừa kế rõ ràng, mọi thứ bắt đầu đổi chiều. Starbuck quay sang phục vụ khách bằng cốc giấy và dĩa nhựa, nói chung cái gì cũng nhựa hết. Vì tiết kiệm tiền mà.

Thế là, kết cục ai cũng biết. Mở miệng nói đây là nhà, vô đây làm việc sẽ có cảm giác gần gũi như là nhà. Mà vô toàn phục vụ ly nhựa không thì rất khó để khách hàng tin tưởng.

Đó là một số ví dụ về việc chuyển giao giữa các thế hệ hơi… gặp lỗi chút xíu. Nói chung toàn là doanh nghiệp lớn, hàng khủng, bự bự không thôi. Vì như vậy, sức tác động mới đủ lớn để tác giả lấy ví dụ minh họa được.

6. Đọc xong rồi, giờ là lúc áp dụng thực tế!

Okay anh em, nãy giờ đọc có vẻ cũng hơi rối não. Nhưng mình hi vọng nó không quá rối để bắt được những ý chính. Quan trọng nhất vẫn là: đọc xong cuốn này, anh em đưa được gì vào trong cuộc sống thực tế của mình.

Đọc đến đây, chắc có bạn sẽ giơ tay phát biểu: “Nãy giờ thấy toàn nói ví dụ các công ty không hà, em chưa mở công ty nên chắc chưa áp dụng được liền đâuuuu”

Bắt đầu câu hỏi tại sao

Thực ra cũng đâu cần áp dụng gì ghê gớm lắm đâu. Chỉ cần áp zô mấy việc nhỏ nhỏ, thường ngày trước. Như mình:

  • Việc đầu tiên, sau khi đọc xong cuốn này là ngay lập tức bổ sung lý do tại sao viết blog vào phần giới thiệu ? Cho anh em đọc, ai mà có cùng lý do, cùng niềm tin với mình thì tiện theo dõi hơn thôi, kaka. Thực chất nói rõ ràng lý do của mình dù gì vẫn tốt hơn mà 🙂
  • Thứ hai là mình sẽ cố gắng pause lại khoảng 1.5 giây, nhớ lại lý do TẠI SAO trước khi làm 1 việc gì đó. Hi vọng cái này duy trì được lâu :v

Zậy thôi, mình nghĩ bản thân áp dụng được vậy là đã quá thành công rồi.

Và thực sự những câu chuyện mà tác giả kể trong sách làm mình có niềm tin ghê gớm với CÂU HỎI TẠI SAO. 

Trước khi đọc quyển này, câu hỏi tại sao cũng đã quan trọng rồi, nhưng nó không “thường trực” trong tâm trí mình. Nhưng sau khi đọc quyển này xong, câu hỏi tại sao càng trở nên quan trọng hơn. Và nó đáng để góp mặt trong mọi thứ mình làm hằng ngày. Để làm việc hiệu quả hơn và sống có mục đích rõ ràng hơn, hạnh phúc hơn 🙂

 

TẠM KẾT

Kết thúc sẽ là 1 cái hình mind map mình chôm được từ bên Sachachua. Anh em xem để tóm lược lại nội dung cuốn sách nhé. Nhặt được gì thì nhặt 🙂

3 ý hay trong sách mà mình muốn đúc kết:

  • People don’t buy what you do, they buy why you do it!
  • Do business with people who believe what you believe!
  • If you compete against everyone, no one helps you. But if you compete against yourself, everyone helps you!

Hẹn gặp anh em ở những bài sau, see yaaa!!!