Công ty tốt. Cụm từ này nghe có vẻ dễ hiểu, nhưng nếu định nghĩa sâu thêm chút nữa: thế nào là công ty tốt thì có vẻ không dễ hiểu lắm. 

Bài này mình có vài điều muốn share với anh em về chuyện như thế nào một công ty tốt. Hi vọng nó sẽ giúp anh em tìm được chân trời lý tưởng cho mình 😎

1. Bà con anh chị em trong công ty

Đương nhiên, vấn đề quan trọng đầu tiên luôn là con người. Lý do?

Họ là người anh em sẽ gặp 8 tiếng một ngày. 8 tiếng là lý thuyết, thực tế còn hơn nhiều. 1 tuần gặp 5 ngày. 1 ngày có 24 giờ.

7 giờ để ngủ. Còn lại 7 giờ để ăn uống, dành thời gian cho bạn bè, gái gú, vợ, chồng, bồ nhí các kiểu. 8-10 tiếng còn lại là dành cho công việc. Tính ra thời gian gặp đồng nghiệp, đôi khi còn nhiều hơn dành cho gia đình.

thế nào là công ty tốt

Nếu trên công ty mà toàn mấy gương mặt ba gai, thì xác định luôn là chết toi. Đi làm thì cứ như hành xác, lúc nào cũng phải dè chừng cái này, dè chừng cái kia.

Nếu trên công ty mà gặp toàn anh chị bạn dì dễ xương, cute hột me thì còn gì bằng. Đi làm thì xác định luôn là cứ như đi chơi. Anh em giúp đỡ, support lẫn nhau. Chả việc gì phải lo lắng, hay dè chừng ai hết.

Nhưng đó là hai tình huống chỉ có thể xảy ra ở một công ty, tên là “Day Dream”, tức là nằm mơ giữa ban ngày.

Thực tế thì chả có công ty nào, mà toàn là người tốt, hay toàn là người xấu cả. Mà ngược lại, công ty nào cũng có người tốt, người xấu. Quan trọng là tỉ lệ bao nhiêu thôi.

Đối với đa số mọi người, công ty tốt là công ty có tỉ lệ người tốt nhiều hơn tỉ lệ người xấu, và ngược lại.

Tuy nhiên, cũng không ai xấu hoàn toàn hay tốt hoàn toàn cả. Mỗi người đều có những mặt xấu, mặt tốt riêng, tùy từng hoàn cảnh cụ thể.

Nhưng, định nghĩa về cái xấu nói chung thì lại quá rõ ràng.

Hổng có zụ mà nói xấu sau lưng người khác đối với anh là xấu, còn với tui là tốt. Hổng có cái đó. Cái gì thuộc về đạo đức, thì có 1 chuẩn mực rõ ràng.

Nhưng cũng có zụ, anh này ảnh xấu tính với tui, nhưng lại tốt bụng với chị kia. Khi đó hãy giả sử, nếu mình không làm gì ba gai với anh này, thì ảnh có tốt bụng với mình không???

Với những trường hợp như vậy, thì mình không nói đến. Hãy cứ xem mình không làm gì họ hết, khi gặp chuyện thì họ có khuynh hướng tốt hay xấu.

Xét về bản chất thì con người chúng ta có khuynh hướng tốt nhiều hơn xấu hoặc xấu nhiều hơn tốt mà thôi. Vì ai cũng có cái xấu, và cái tốt riêng trong người.

Vậy câu hỏi đặt ra: nếu công ty nào cũng có người tốt, người xấu thì một người nhân viên chăm chỉ, cần cù lao động như em biết nàm sao đây!?!? Có hai phương án cho anh em:

  • Cố gắng chọn công ty nhiều người tốt, đáng để học hỏi, rồi tìm cách đâm đầu vào.
  • Biến mình thành người, mà có thể quẩy tới bến trong mọi môi trường. Và tất nhiên: gần đèn thì trắng, mà gần mực thì… cũng phải trắng nốt.

1.1. Chọn công ty có… nhiều người tốt

Rõ ràng là rất khó. Vì nếu dễ, thì xã hội này đã chia thành 2 nhóm rõ rệt bà nó rồi.

Một nhóm người xấu tính và rất xấu tính chơi với nhau, nhóm còn lại tốt và rất tốt. Nhưng vẫn có một số mẹo để anh em chọn được công ty nhiều người tốt như sau.

a) Tham khảo các trang review

Tham khảo itviec, hoặc haymora.com, hoặc bất kỳ trang review nào khác mà anh em biết.

Ăn uống thì có Foody, Lozi review, phim ảnh thì có IMDb, sách vở thì có Goodreads. Tương tự là công ty, đặc biệt là công ty IT thì có itviec, haymora review.

Itviec cho phép nhân viên các công ty lên nhận xét, đánh giá về công ty mình. Cho các hậu bối có niềm tin mà apply vào.

Trên itviec, anh em sẽ không ít lần thấy những comment tiêu cực đâu.

Thiếu lương, chậm lương, xù bonus, auto OT vắt kiệt sức lao động của các thanh niên mới chập chững ra trường, còn nhiều bỡ ngỡ. Có đủ hết. Khen thì cũng có, và đa phần mình thấy khen đúng những cái đáng khen.

thế nào là công ty tốt

Một số còm men lụm đại trên Itviec

Tuy nhiên khi tham khảo cái này, anh em phải nhìn trên diện rộng, rồi mới rút ra thông tin. Tránh đọc một vài ba còm men rồi gom đũa cả nắm.

Vì lâu lâu sẽ gặp một cơ số thanh niên bất cần đời, lên đây trút bầu tâm sự, sau một quá trình dài bất mãn với sếp, với team. Sẽ là rất tiêu cực nếu mình cứ chăm chăm vào các comment này.

Do đó, hãy nhìn trên diện rộng!

b) Mò facebook mấy ông phỏng vấn

Thường thì trước khi HR phỏng vấn, anh em sẽ được người của team mà mình làm việc trực tiếp phỏng vấn. Đây có thể là PM, Leader của team, hoặc đơn thuần là các senior, super senior hoặc các principle. Những người đồng nghiệp tương lai của mình.

Mẹo ở đây: Hãy mò được facebook mấy ông này.

Để làm gì? Để lên mà soi chứ làm gì.

Ví dụ anh em để ý nhỏ con gái nào, thì thường mò facebook nó lên soi đúng không. Xong facebook, chuyển qua Instagram.

Mục đích mò facebook gái thì anh em biết rồi…

Trường hợp này cũng vậy, anh em lên facebook, để xem những người phỏng vấn mình. Người mà sẽ trở thành đồng nghiệp tương lai của mình, họ sống sao. Có sống lỗi hay sống lầy quá không ?

Thế nào là công ty tốt

Lên mà để ý xem cách người ta comment như thế nào, người ta hay like cái gì, hay đăng status gì, ảnh gì. Rồi sở thích của người đó là gì, có gái gú rượu chè cờ bạc hút chích gì không.

Gom hết những cái này lại, anh em sẽ có bức tranh tổng quát về họ, dù còn hơi mờ mờ ảo ảo.

Chưa hết, khi có facebook một người, chúng ta sẽ dễ dàng lần mò sang những người khác, đồng bọn của người này. Tức là team tương lai của mình.

Người ta hay nói, mạng xã hội là ảo, nhưng mình không nghĩ vậy. Đúng là nó ảo. Nhưng những thói hư tật xấu của mình sẽ bị lộ diện trên đây hết.

Một thằng hám gái sẽ suốt ngày thấy news feed nó toàn đi like hình gái. Một đứa ăn nói cọc lốc, thô lỗ sẽ thấy rõ trên các comment. Không dễ để nhìn nhận một người, nhưng đó là những dấu hiệu đầu tiên về người này.

Nói tới đây, chắc sẽ có bạn nhí nha nhí nhố giơ tay thắc mắc: “Cho em hỏi ngu chút xíu, làm sao có facebook mấy người hay zữ zậy anh?”

Cái này thì cũng không khó. Anh em có thể search facebook dựa theo email, số điện thoại cá nhân, hoặc bạn chung.

Mà hai cái này thì có thể là xin trực tiếp người phỏng vấn: “Dạ anh ơi cho em xin số điện thoại/ email của anh nhé. Có gì thắc mắc về hồ sơ hay công việc thì anh cho em trao đổi với anh chút nhé. Chứ hổng phải em xin đề em mò facebook anh soi đâu. Em hứa!”

Còn thấy khoai quá, thì qua xin HR, xin người mà liên hệ bạn đi phỏng vấn á. Cũng nói như trên, vì mục đích công việc.

Tuy nhiên, đây là cách dễ.

Lâu lâu anh em sẽ gặp một số phần tử hành tung khá ẩn dật. Một năm chỉ post đúng hai status.

Một là đổi avatar. Hai là post: “Cảm ơn mọi người chúc mừng sinh nhật tui”. Hết!

Quanh năm suốt tháng không thấy comment hay like gì hết ráo. Hoặc độc hơn, chơi để toàn bộ các post hay comment sang chế độ Friend Only.

Với những thành phần này thì anh em phải dùng tới cách thứ ba.

c) Lân la hỏi thăm

Đây là cách cơ bản nhất, nhưng cũng quan trọng nhất. Anh em phải hỏi thăm xem con người ở đó ra sao, môi trường ở đó thế nào.

Hỏi ai? Hỏi bất kỳ ai có thể hỏi. Bạn bè, ba má, anh chị em. Hoặc lên cộng đồng hỏi, forum, group facebook.

Phải chịu khó hỏi, và nghiên cứu thật kỹ. Vì đây là công việc, là sự nghiệp của mình. Không ai lo cho mình bằng tự mình lo cho chính mình hết. Nên đừng lười nhé anh em.

Văn hóa, cách làm việc cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng cần phải hỏi. Làm với Nhật khác, làm với Ấn khác, làm với Tây balo khác.

thế nào là công ty tốt

Ngành IT mình nhỏ lắm, quanh qua quẩn lại là gặp nhau liền.

Nên anh em cố gắng gầy dựng network và để lại tiếng tăm tốt. Trước khi nghỉ công ty nào thì cố gắng đừng để lại tàn dư nhiều quá, anh em ở lại đổ vỏ đuối lắm.

 

1.2. Quẩy tới bến trong mọi môi trường

Coi như xong cách thứ nhất, cách thứ hai có vẻ sẽ khó hơn nhiều.

Vì để làm được điều này thì anh em phải thực sự rất… KIÊN ĐỊNH. Điều này không dành cho ai dễ mủi lòng và không có chính kiến.

Vì sao? Vì trong môi trường công sở, có rất nhiều ý kiến. Tốt có xấu có, tốt với mình có, xấu với mình có.

Kiên định là kiên định với mục tiêu của mình. Mình vô công ty mình muốn cái gì, thì cứ đâm đầu tập trung vào mà làm thôi. Thằng nào, con nào bơm đểu cái gì cũng auto ignore hết.

Vô công ty làm vì tiền, thì cứ cố gắng cày cho xong dự án để thưởng bonus. Vô công ty làm vì muốn học hỏi, trải nghiệm thì ở đâu có training, sharing thì bay vào, có dự án khó xung phong nhận liền.

Đó là cái mình muốn, và cố gắng tập trung làm những cái gì liên quan thôi. Chứ đừng có ai nói gì cũng nhảy vào nghe, ai nói gì cũng làm, xấu cũng làm, tốt (mà hổng dính dáng tới mình hoặc team của mình) cũng làm. Zậy cũng hổng ổn.

.

Nhưng khoan, đó chỉ là một mặt của vấn đề.

Vì vậy chả khác nào… hòn đá đang đi làm.

.

.

.

Lên công ty chỉ có làm, làm và làm thôi. Không giao du, chém gió với mọi người thì đâu có được.

Ít ra cũng phải tham gia hoạt động này kia với anh em trong team, hoặc tệ nhất cũng phải đi ăn trưa, nói chuyện với nhau.

Nhưng một khi đã ghét nhau, thì sẽ không dễ để nói chuyện với nhau, và rất dễ để nói xấu nhau. Khi non-working, anh em sẽ thường giải bày tâm sự, người này không thích người kia thế này thế nọ.

Người kiên định là họ nghe và hiểu thôi, nhưng những gì họ nghe được không làm ảnh hưởng tới mục tiêu và những gì họ đang làm.

Giả dụ Tom là một người không kiên định.

Team ảnh đang rất bèo nhèo, anh em thì chơi thân với nhau, nhưng mà thân ai nấy lo. Đã vậy còn nói xấu sau lưng nhau, nói xấu sếp, ghét sếp. Chưa kể ông sếp thì ổng cũng ghét, ổng đì anh em OT sấp mặt.

Tom là một người không kiên định, ảnh sẽ làm gì?

Đương nhiên là ai nói gì ảnh nghe đó.

Ảnh nghe nói bà Hai xấu tính, thì ảnh tin là bà Hai bả xấu tính, mai mốt ảnh không support bà Hai nữa. Cái hôm sau ảnh nghe nói ông Bốn ổng tốt lắm, toàn gánh task giúp anh em.

Nhưng rồi hôm sau, ảnh lại nghe bà Hai nói ông Bốn ổng làm ăn chán đời lắm, bà Hai toàn phải đi đổ vỏ cho ổng.

Kết cục, Tom một là hóa điên và stress vì không biết nghe ai. Hai là ảnh cũng trở thành một trong số họ, chỉ lo những thứ ruồi bu xung quanh mà chả lo làm ăn hay tập trung mục tiêu của mình.

Do đó, để thích nghi được với mọi môi trường. Anh em hãy luôn khẳng khái, biết mình đang làm gì, muốn cái gì và hãy luôn tìm cách share, thấu hiểu với vấn đề của anh em theo nhiều góc nhìn. Chứ đừng lắng nghe từ một phía.

Tuyệt đối, không bao giờ được lắng nghe từ một phía!

thế nào là công ty tốt

Hãy luôn kiên định, tự tin và quẩy tới bến như anh da đen.

2. Đồ nghề để nghịch bậy

Tiếp theo mục bàn về con người sẽ là mục bàn về benefit.

Ơ mà cái tiêu đề để là “Đồ nghề để nghịch bậy” mà xuống dưới nói benefit là saoooo, gì trớt quớt zậyyy???

Anh em bình tĩnh, ý mình là benefit quan trọng nhất ở đây chính là đồ nghề để nghịch bậy, và dĩ nhiên bối cảnh ở đây là đối với các công ty IT.

Thường thì các công ty sẽ có rất nhiều benefit hấp dẫn để mời gọi anh em về đầu quân.

Từ bảo hiểm cả chục triệu một năm, cho tới đi nghỉ mát nước ngoài, team building một năm hai lần. Hoặc các chế độ đãi ngộ tuyệt vời ông mặt trời như free các thể loại cà phê, nước cam, ngũ cốc, hành….. à nhầm, hành thì luôn free nhé anh em :))

Hoặc là gửi xe free, ăn trưa free. Được cấp hẳn macbook để làm việc. Năm review lương 5 lần, có tận 18 ngày phép. Sinh nhật, lễ tết, đám cưới có quà đầy đủ, thôi nôi con cũng có quà. Hoặc thậm chí là ticket tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao trọn đời của công ty như yoga, đá banh, đá cầu, nhảy dây, bắn thun…

Nói chung là có rất nhiều phúc lợi hấp dẫn chào đón anh em.

Mình tin rằng anh em sẽ dễ bị hấp dẫn bởi những benefit ngó có bộ tốt này. Cá nhân mình cũng vậy. Ham thấy bà đi được.

Nhưng khoan, lật ngược vấn đề lại một chút.

Nếu không có những phúc lợi này thì mình có bị thiệt gì không, có bị buồn hay bị cản trở công việc gì không?

Cá nhân mình sẽ tự tin trả lời là KHÔNG. Vì đó chỉ là những phúc lợi làm mình happy hơn mức bình thường mà thôi.

Không có nó, cũng chẳng sao.

Ví dụ á, không free tiền gửi xe, thì tự trả tiền.

Không free cà phê, thì tự mua cà phê.

Không bảo hiểm xịn, thì đã có BHYT của nhà nước.

Không có Macbook làm việc, thì xài Dell hay Lenovo như bao công ty khác cũng tốt zậy….

Những thứ lặt vặt như vầy, trích lương tháng ra chi trả cũng không đáng là bao.

Vậy thì đâu mới là phúc lợi có giá trị đối với anh em BA mình nói riêng, và anh em IT nói chung.

Câu trả lời là PHÚC LỢI XOAY QUANH NHỮNG SẢN PHẨM VỀ CÔNG NGHỆ.

thế nào là công ty tốt

Ví dụ mình làm về các giải pháp của Microsoft, thì điều tuyệt vời không gì bằng là được tận tay trải nghiệm hết các giải pháp của Microsoft, trong một hệ sinh thái đầy đủ nhất của nó.

Vì khi đó, mình mới hiểu được một cách toàn diện giải pháp mang lại cho khách hàng là gì.

Đối với anh em làm về Oracle, điều tuyệt vời nhất là tận tay mày mò trên hệ thống của Oracle để cảm nhận và hiểu được nó ra sao. SAP cũng vậy, Salesforce cũng vậy, vâng vâng và mây mây.

Như mình, hồi đó mình không biết nghiệp vụ Customer Service có những gì. Thế là vào hệ thống mày mò theo case study. Đó là một trong những cách tuyệt vời nhất để mình hiểu system hoạt động, và hoạt động theo nghiệp vụ như thế nào.

Nhưng nói zậy thôi chứ đâu dễ ăn của ngoại. Mặc dù là bây giờ thế giới đã đưa lên Cloud, khá dễ để đăng ký một hệ thống trial vào vọc. Nhưng với một số hệ thống mới, đặc thù như Field Service, hay Advanced Marketing thì phải cần Subscription, License để vào được.

Thế là tốn tiền.

Nếu công ty không cover khoản này, anh em sẽ phải ôm hết, và giá thì không hề rẻ.

Như công ty mình là Gold Partner với Microsoft nên mình có cơ hội được tiếp cận hầu như các công nghệ, giải pháp mới nhất của Microsoft. Đó cũng là cách để trả lời cho câu hỏi công nghệ trên thế giới đã phát triển đến đâu rồi?

Còn một điểm nữa mình muốn nói rõ là khi triển khai giải pháp của ông lớn ABC, thì phải là partner của ổng thì mình mới triển khai được.

Thế nhưng, mặc dù là partner nhưng cũng không dễ để access được vào hết các solution của ổng. Partner cũng có nhiều cấp độ, mỗi cấp độ sẽ có một phạm vi quyền hạn riêng.

Như đối với Microsoft, Gold Partner mới có quyền truy cập vào trang Dynamics Learning Portal. Một trang chuyên training, hướng dẫn, bỏ bùa anh em về các Business Solution của Microsoft ? Giúp anh em hiểu nghiệp vụ và thi chứng chỉ tốt hơn.

Đồng bọn mình ở công ty khác thì lại không có cái này.

Chưa kể ngoài ra sẽ là một đống tools full license đầy đủ. Xài không phê không ăn tiền.

Do đó đối với mình, đây mới là phúc lợi thật sự, phúc lợi thật sự cho người làm BA. Phúc lợi đáng để cân nhắc và đánh đổi khi chọn công ty.

Còn đối với anh em BA trong software development thì sao. Mặc dù mình deliver giải pháp cho khách hàng là một hệ thống tự build. Nhưng đâu đó anh em sẽ có nhiều góc nhìn tham khảo hơn khi build một hệ thống mới. Tham khảo những best practice mà đã được các ông lớn như Microsoft, SAP đúc kết sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng nghiệp vụ của cả trăm ngàn business trên thế giới.

3. Tạm kết

Nãy giờ mình hổng nhắc tới chuyện lương bổng. Sẽ có 2 option cho anh em tự suy diễn như sau.

Người theo trường phái chết vì đam mê, à nhầm sống vì đam mê sẽ cho rằng đi làm là để học hỏi, phát triển, để nâng cao bản thân. Nên chuyện tiền bạc chỉ cần đủ xài, và không quá bận tâm có cao hay không.

Trường phái này hàng xịn cũng có, mà hàng đểu cũng có. Nhưng nếu thật sự suy nghĩ được như vầy, thì mình thật sự nể.

Thế nào là một công ty tốt

Hi vọng suy nghĩ này vẫn còn nhen nhóm, loe lói đâu đó trong anh em, chứ không bị tắt ngủm đi sau vài năm cày cuốc cật lực như trâu bò ?

Còn người theo trường phái “trả tiền cho bố” thì sẽ nghĩ rằng điều này là quá hiển nhiên nên không cần nhắc tới.

Cứ tiên quyết phải lương cao thì bố mới công nhận là công ty tốt. Benefit có khủng cỡ nào đi chăng nữa thì phải có thực mới vực được đạo. Lương tháng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Và đương nhiên, không có suy nghĩ nào đúng, nào sai. Chỉ là phù hợp hay không phù hợp vào từng thời điểm mà thôi.

 

That’s all! Đó là đôi dòng miên man suy nghĩ về thế nào là một công ty tốt mình muốn chia sẻ, chém gió cùng anh em. Nếu anh em thấy có chỗ nào không đồng tình thì để lại comment bên dưới nhé. Mình hứa sẽ yêu thương từng comment.

Cuối tuần vui vẻ, bái baiii!!!