Hế lô ajinômôtô anh em. Bài này mình sẽ nói đến một vấn đề khá rộng, nhưng lại được rất nhiều anh em quan tâm. Đó là các loại hình công ty mà BA có thể làm. Hay cụ thể hơn, công việc BA “tồn tại” ở những vai trò nào.

Thời gian qua cũng có nhiều anh em gửi mail hỏi mình vấn đề này. Nhân dịp cuối tuần, mình sẽ overview lại cho anh em có cái nhìn tổng quan luôn.

Ô kê. Lét gâuuuu!

 

1. Một câu chuyện hư cấu có thật

Gần nhà mình có ông Hải chuyên xe ôm.

Ông Hải này chạy xe ôm nổi tiếng vui tính, tốt bụng và có “quan hệ cực kỳ rộng”. Ổng có trong tay cả trăm anh em xe ôm, phủ sóng khắp mọi ngóc ngách Sài Gòn.

Chân dung ông Hải (Nguồn hình: Zing.vn).

Tuy nhiên, thời buổi Uber, Grab hoành hành loạn lạc, ổng cũng muốn có chút gì đó thay đổi. Một phần để bắt kịp xu hướng thời hiện đại. Phần khác là để quản lý đội ngũ anh em xe ôm tốt hơn.

Ổng nghĩ ổng cần một cái gì đó, có thể giúp ổng quản lý tốt tuyến đường của các anh em, quản lý thông tin cá nhân, cũng như lương lậu của các anh em tài xế.

Thế là ổng liên hệ ông Sáu Bảnh xóm trên, trước chuyên sửa win dạo, giờ chuyển sang làm giải pháp phần mềm.

Ông là chủ tịch của tập đoàn Sáu Bảnh Gờ-Lâu-Bồ (Global), chuyên phát triển và triển khai các giải pháp phần mềm, có trong tay hàng trăm kỹ sư khủng.

Ông Sáu Bảnh nói: cần phải có một hệ thống, áp dụng vô việc quản lý đội xe, có thể tạm gọi là hệ thống “Self-Governing Motor Ôm”, nghĩa là Biệt đội xe thồ tự quản.

Vì để gọn nhẹ, và có thể nhanh chóng đưa vào áp dụng, ông Sáu Bảnh đề xuất sẽ triển khai hệ thống này dựa trên một hệ thống sẵn có, mang tên Dynamics 365 for Ôm của Microsoft.

Trong team dự án của Sáu Bảnh Global có một anh BA tên Mai-cồ Tom.

Sau bốn tháng làm việc quần quật giữa anh Mai-cồ Tom và công ty Hải Motor Ôm, hệ thống cuối cùng cũng go-live thành công. Ông Hải cùng đồng bọn chạy hệ thống vèo vèo, ngon lành cành đào.

Tuy nhiên khoảng 1 năm sau, nhiều thứ bắt đầu thay đổi.

Ông Hải thâu nạp thêm nhiều xe ôm mới, hệ thống bành trướng, và cũng cần bổ sung thêm một số chức năng.

Các quy trình cũng trở nên phức tạp, và thay đổi liên tục. Không phải làm ngày một ngày hai là xong. Nên Hải CEO mới quyết định thuê nguyên một đội IT vào để quản lý hệ thống Self-Governing Motor Ôm, sẵn tiện phát triển thêm các tính năng mới.

Thành phần tuyển vào có 3 người: 2 anh Developer Full Stack và 1 chị BA, tên Tủn.

Chị Tủn hằng ngày có nhiệm vụ nhận các yêu cầu phản hồi của tài xế xe ôm, cũng như các bộ phận khác về tính năng của hệ thống. Cái này cần cải thiện, cái nào cần phát triển thêm. Chị Tủn sẽ phân tích các yêu cầu này, sau đó trình xếp Hải và estimate, rồi thực hiện.

Mọi thứ phát triển rất tốt, nhưng rồi…

Sau 4 năm phát triển như một tập đoàn xe ôm hùng mạnh nhất nhì Sài Gòn, ông Hải mới quyết định thay đổi cách vận hành, tạo một cú sốc lớn trong làng xe ôm nước nhà.

Ổng quyết định sẽ tung ra app điện thoại, giúp kết nối hành khách đi xe ôm và tài xế xe ôm.

Thế là một lần nữa ông Hải phải liên hệ tập đoàn Sáu Bảnh Global để làm. Vì đội IT của ổng không đủ sức để build một phần mềm chuyên dụng như vậy.

Nói về làm Mobile App thì Sáu Bảnh Global tự tin mình là số một. Lúc demo, Sáu Bảnh show hàng loạt các tính năng khủng. Ông Hải thấy vậy khoái lắm, vỗ đùi phành phạch. Hỏi giá thì cha Sáu Bảnh hét lên tới gần 1 tỉ. Mắc quá không có tiền làm, ông Hải phải nghĩ cách khác.

Nhờ bà con giới thiệu, ông Hải mới liên hệ qua bên Campuchia để làm cho rẻ. Mấy đồng chí bên Campuchia thì lấy giá chỉ bằng phân nửa cha Sáu Bảnh, tròn 500 triệu, bao luôn bảo trì hai tháng.

Công ty này tên là Cambodian Technology, có một anh BA tên Tony Tèo. Anh Tèo vốn là du học sinh Lào tại Việt Nam nên tinh thông khá nhiều thứ tiếng.

Cambodian Technology lập ra một project team cùng với team IT của ông Hải để làm dự án. Chi tiết một chút về đội hình ra sân cho anh em dễ hình dung.

  • Team Cambodian Technology (công ty phát triển Mobile App): gồm một anh BA tên Tony Tèo, 3 anh Dev và 1 anh UX/UI Designer.
  • Team Hải Motor Ôm (khách hàng): có chị Tủn, đóng vai trò như một Product Owner, và một số các stakeholders khác.

Dự án bắt đầu…

Tám chục năm sau, dự án kết thúc.

Cambodian Technology nhận tiền, Hải Motor Ôm có app phục vụ bà con.

Hải Motor Ôm áp dụng thành công ứng dụng điện thoại vào thị trường cho khách đặt xe (front-end). Cùng với đó là áp dụng hệ thống Biệt đội xe thồ tự quản để quản lý nội bộ (back-end).

Cứ thế, Hải Motor Ôm ngày càng lớn mạnh, và phát triển cho đến tận ngày nay. Trở thành tập đoàn xe ôm hàng đầu nước nhà, là niềm tự hào của cả dân tộc.

Ông Hải trong một lần chở khách (nguồn hình: Zing.vn)

 

2. Muôn nẻo đường BA

Vậy từ câu chuyện trên anh em thấy được gì?

Trong bất kỳ các dự án phần mềm nào, BA cũng đều rất quan trọng. Nhưng không phải lúc nào, BA cũng xuất hiện dưới cái tên BA. Công việc thì vẫn là công việc của BA, nhưng cái tên thì khác.

Cụ thể trong câu chuyện trên, anh em thấy xuất hiện 3 người làm công việc BA, nhưng với 3 vai trò khác nhau:

  • BA trong tập đoàn Sáu Bảnh Global: anh Mai-cồ Tom
  • BA trong công ty Hải Motor Ôm: chị Tủn
  • Và cuối cùng là BA trong công ty Cambodian Technology: anh Tony Tèo

Vậy công việc của 3 anh này khác nhau chỗ nào?

Nhưng khoan, trước khi phân biệt rõ vai trò của 3 anh này, mình sẽ làm anh em hoang mang hồ ngọc hà hơn bằng hình dưới đây.

Ở bài này mình sẽ cố gắng giúp anh em phân biệt rõ 5 roles này cụ thể nó như thế nào, dựa trên case study phía trên cũng như các ví dụ mà mình sưu tầm được.

Tuy nhiên, trước khi đọc tiếp anh em nên hiểu rõ như thế nào là công việc Business Analyst.

Dù cho chức vụ của người đó có là Bridge System Engineer, Functional Consultant hay Product Owner đi chăng nữa, thì nhìn chung họ vẫn đang làm công việc Business Analyst, nhưng là với những mục đích khác nhau.

Và chính vì mục đích khác nhau, nên các đầu mục công việc thường ngày sẽ có phần khác nhau đôi chút.

Cụ thể như thế nào?

3. Công ty Product | Product Owner?

Thứ nhất là Product Owner.

Ngắn gọn, Product là “sản phẩm”, Owner là “sở hữu”. Product Owner là Người sở hữu sản phẩm. Mà khi một người sở hữu cái gì thì họ thường có trách nhiệm đảm bảo cho cái đó được hoàn thiện, được phát triểnđược mọi người đón nhận.

Khi anh em sở hữu một chiếc Mẹc-Xi-Đì, anh em sẽ chăm chút cho nó, nâng niu nó, không để nó trày, không để nó xướt. Khi xe dơ thì mang xe đi rửa, xe bị hư thì mang xe đi sửa. Chưa kể khi chạy ngoài đường, anh em thấy bà con góp ý nên tháo cái này, gắn cái kia, anh em cũng về độ theo cho hợp lý.

Hoặc, giống như chai Number One của Tân Hiệp Phát. THP tung sản phẩm ra, bà con uống thử. Khen chỗ nào, chê chỗ nào, THP đều phải thu thập các ý kiến từ thị trường, nghiên cứu và liên tục cải tiến sản phẩm Number One sao cho hợp khẩu vị với bà con nhất.

Khi chai Number One có vấn đề gì, như có bà ruồi bả chui vô chẳng hạn, thì THP phải có trách nhiệm khắc phục vấn đề một cách nhanh nhất. Nhằm khôi phục những đánh giá của bà con về sản phẩm.

Product Owner cũng vậy!

Nhưng sản phẩm ở đây là một sản phẩm công nghệ. Ví dụ:

  • Các website thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, hay Giaohangnhanh.
  • Các mobile app như: Grab, Zalo, Foody, Camera 360, hay Money Lover.
  • Hoặc các nền tảng như: WordPress (content management system), Wix (tương tự + web designer), hoặc nền tảng thiết kế trực tuyến Design Bold.

Thế nào là công ty Product?

Anh em có thể hiểu nôm na, công ty Product là công ty cung cấp các sản phẩm công nghệ trực tiếp cho người dùng cuối, ví dụ: Tiki, Lazada, Money Lover, Momo, Zalo…

Người dùng cuối chính là khách hàng, và công ty product sẽ nhận được tiền khi người dùng mua hoặc thuê sản phẩm công nghệ đó. Như việc đăng ký thuê bao 1 năm của ứng dụng quản lý tài chính Money Lover chẳng hạn.

Có rất rất nhiều công ty làm Product trên thị trường hiện nay. Kéo theo đó là có rất nhiều sản phẩm công nghệ mà anh em dùng hằng ngày.

Và đứng sau những sản phẩm này đều có bàn tay của BA nhúng vào, nhưng với cái tên khác: Product Owner 😎

Tại sao nói Product Owner vẫn đang làm công việc Business Analyst?

Mục đích lớn nhất của một người Product Owner là đảm bảo sản phẩm được mang đến người dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Rõ ràng là họ đang đem lại một giải pháp công nghệ, mà người dùng cuối lại chính là người sử dụng giải pháp công nghệ đó.

  • Tiki giúp anh em mua sắm trực tuyến, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc.
  • Money Lover giúp anh em quản lý chi tiêu một cách đơn giản, tiện lợi.
  • WordPress giúp anh em lan tỏa ý tưởng trên Internet.
  • Camera 360 giúp anh em đẹp chai cu te hột me hơn… và hàng loạt các ví dụ khác.

Đó là concept. Còn về công việc, anh em cứ quay lại bản chất của công việc Business Analyst cho dễ hình dung.

Công việc Business Analyst.

Trước khi bước vào dự án, chị Tủn phải xác định rõ Business Objective của dự án là gì. Ở đây chính là xây dựng một Mobile App giúp khách hàng đặt xe, gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng, từ đó gia tăng doanh số và giúp mở rộng business.

Sau đó, chị phải làm việc với các Stakeholder để đảm bảo Business Objective được thống nhất. Stakeholder đầu tiên phải là síp Hải, tiếp đến là các đối tác tiềm năng có thể cung cấp giải pháp, sau đó có thể là tài xế, để hiểu được mong muốn của họ đối với cái app này.

Sau khi đã xác định rõ mục tiêu Business Objective và Stakeholder, chị Tủn sẽ làm việc trực tiếp với Development Team của công ty Cambodian Technology để xây dựng giải pháp Mobile App, tức là bắt tay vào làm Solution.

Mặc dù không trực tiếp làm giải pháp, nhưng chị Tủn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm sao cho khớp với nhu cầu thị trường nhất.

Và sau cùng là đưa giải pháp đó vào thị trường (transition) sao cho hiệu quả và đạt được các Business Objectives đề ra ban đầu.

Thực tế thì một người Product Owner sẽ có những trách nhiệm sau:

  • Tìm hiểu, nghiên cứu, và nhận phản hồi từ thị trường xem họ nghĩ gì, cần gì từ sản phẩm của mình.
  • Từ đó đảm bảo cải tiến, phát triển sản phẩm nhằm đạt được KPIs đề ra (traffic, CPI, CPC, tỉ lệ hoàn thành đơn hàng…).

Anh em có thể tham khảo thêm: Bài viết về người thật việc thật từ ITVIEC.COM về Product Owner.

Công việc thực tế của chị Tủn – một Product Owner trong công ty ông Hải.

Thông qua chị Tủn, anh em sẽ hiểu được một số công việc cụ thể của một người làm Product Owner.

Chị Tủn tiết lộ về công việc hằng ngày của chỉ như sau:

“Chào các bạn, mình là Tủn, hiện tại mình đang làm PO trong dự án phát triển một sản phẩm Mobile App, giúp khách hàng có thể đặt xe trực tuyến…

  • Hằng ngày mình sẽ là người phân loại, đánh giá mức độ ưu tiên cho các chức năng. Xem thử chức năng nào cần làm đầu tiên, tiếp theo sẽ là chức năng gì.
    (Vì mình thuộc công ty Hải Motor Ôm mà, nên mình sẽ tiếp cận được khách hàng của công ty mình muốn gì, cần gì. Khi đó, mình mới đánh giá được cái gì cần build trước).
  • Từ đó, mình sẽ quản lý danh sách các item cần làm (các hạng mục công việc) trong một cái list, gọi là Product Backlog.
  • Ngoài ra, mình cũng phải viết document cho dự án nữa, từ User Stories, đến Acceptance Criteria (và 1 số loại documents khác).
  • Hằng ngày cũng phải họp hành các kiểu với các Stakeholder, Development Team.
  • So với các anh em BA, thì công việc của mình chủ yếu focus vào khách hàng để hoàn thiện sản phẩm, hơn là focus vào quy trình.
  • Mình sẽ liên tục nhận feedback từ khách hàng, và ra quyết định về roadmap của sản phẩm Mobile App khi hoàn thành (tất nhiên là có tham khảo ý kiến của síp Hải, hehe).”

Ô kê, cảm ơn chị Tủn!

Anh em thấy đó, về bản chất công việc của chị Tủn không khác anh em BA mình là mấy. Nhưng điểm khác biệt rõ nhất, là chỉ sẽ focus vào khách hàng hơn là focus vào requirement như anh em BA mình.

Chị Tủn – Product Owner trong công ty Hải Motor Ôm

Ngoài ra còn một điểm khác biệt rất lớn giữa Product Owner và Business Analyst, đó là lượng user mà họ phục vụ.

Output của PO sẽ chịu tải, phục vụ cho cả triệu người dùng, vì người dùng cuối chính là khách hàng của họ. Như Tiki một ngày có cả triệu lượt truy cập, sử dụng hệ thống.

Còn output của BA trong các công ty làm giải pháp thì chỉ đến được một số lượng hữu hạn user nhất định, khoảng vài chục người. Vì đa phần, sản phẩm của họ chỉ phục vụ cho các nhân viên của công ty khách hàng.

Product Owner chỉ xuất hiện trong các công ty làm Product?

Đây là quan điểm hơi… sai lệch. Product Owner không chỉ xuất hiện trong các công ty làm Product, mà có thể xuất hiện trong bất cứ các công ty nào.

Nói đúng hơn, Product Owner xuất hiện trong các dự án phần mềm làm theo mô hình Scrum.

Nói sơ bộ thì Scrum là phương pháp quản lý dự án theo nguyên lý Agile. Một dự án Scrum sẽ có 3 vai trò:

  • Scrum Master (1 người)
  • Product Owner (1 người)
  • Development Team (1 đống người).

Product Owner là một trong 3 vai trò này, với các đầu mục công việc như mình nói ở trên.

Ví dụ bên Home Credit, một công ty tài chính, chuyên cung cấp các sản phẩm tài chính, chả ăn nhậu gì sản phẩm phần mềm trong đây cả. Nhưng vẫn có cả role Product Owner, lẫn Business Analyst.

Vậy tại sao 2 ông PO và BA lại xuất hiện trong công ty này?

Lý do rất đơn giản, khi công ty phát sinh nhu cầu cần một giải pháp phần mềm để giải quyết một số vấn đề của họ.

Chẳng hạn như: cần quản lý document cho toàn công ty, cần một hệ thống có thể tính lương tự động, hoặc thậm chí là cần một mobile app nhỏ để các sếp approve kế hoạch online, ngay trên điện thoại, mà không cần mở máy tính.

Khi đó, Product Owner sẽ xuất hiện, làm việc với các phòng ban để hiểu được các Business Objectives. Từ đó họ sẽ document thành các stories, deliver cho Business Analyst để làm việc với Development Team, xây dựng sản phẩm.

Hoặc BA có thể nhận các tickets (yêu cầu hoặc góp ý) từ các bộ phận đang sử dụng hệ thống. BA sẽ phân tích các yêu cầu, và đánh giá độ khả thi và estimate resources để làm.

Quay lại case study đầu bài, đây cũng là những công việc mà chị Tủn đã làm khi được ông Hải tuyển vào công ty dưới chức danh BA.

Chỉ đến khi công ty bắt đầu dự án Xây dựng Mobile App đặt xe cho khách dự án được quản lý theo mô hình Scrum, thì chỉ mới đóng vai trò là Product Owner mà thôi.

Và, Product Owner không nhất thiết lúc nào cũng đến từ công ty khách hàng, mà có thể đến từ một bên thứ ba.

Chẳng hạn bên Mỹ có công ty 123 muốn xây dựng hệ thống a-á-ớ-bờ-cờ.
Công ty 123 này liên hệ với công ty giải pháp 456 ở Mỹ để làm dự án.

Sau khi xác định được Solution Design các thứ, và thống nhất với khách hàng (là công ty 123).
Công ty 456 này mới liên hệ với công ty 789 ở Việt Nam để làm cho rẻ (vì giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn mà).

Thì khi đó, Product Owner không đến từ công ty khách hàng 123, mà có thể đến từ công ty trung gian 456 bên Mỹ.

 

4. To be continued

Ô kê bài này dài quá rồi, nên mình sẽ cắt sang phần 2. Anh em xem phần 2 full HD ở link này nhé.

Cuối tuần vui vẻ nhé anh em 😎